Bệnh gan là gì?
Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể, có kích thước bằng quả bóng đá và nằm ngay dưới lồng ngực bên phải. Nhiệm vụ quan trọng là tham gia hỗ trợ tiêu hóa thức ăn đồng thời loại bỏ các chất độc hại ra bên ngoài.
Bệnh gan là thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ tình trạng nào có thể gây ảnh hưởng và làm hỏng cơ quan. Theo thời gian, bệnh có nguy cơ tiến triển đến xơ gan. Lúc này, các mô sẹo dần dần thay thế mô khỏe mạnh khiến cơ quan không còn hoạt động bình thường. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ phải đối diện với xơ gan và ung thư gan. Phần lớn bệnh gan là bệnh mặc phải xuất phát từ các yếu tố gây hại khác như virus, sử dụng rượu bia, béo phì…(1)
Các dấu hiệu bệnh gan thường gặp
Một số dấu hiệu bệnh gan điển hình nhất có thể nhận biết bao gồm:
1. Mệt mỏi chán ăn
Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gan. Mặc dù cơ chế bệnh sinh cơ bản hiện vẫn chưa có kết luận chính xác nhưng được xác định liên quan đến những thay đổi trong dẫn truyền thần kinh trung ương. Nói cách khác, mệt mỏi chính là kết quả từ tín hiệu mất ổn định giữa não và gan tổn thương. Từ đó, cơ thể bắt đầu rơi vào trạng thái uể oải, tay chân bủn rủn và không có cảm giác thèm ăn.(2)
Việc kiểm soát triệu chứng này thường rất khó khăn, do đó, các phương pháp điều trị cụ thể hiện không có sẵn. Đối với trường hợp này, bác sĩ thường tìm cách loại bỏ những yếu tố nguyên nhân gây mệt mỏi tách biệt với bệnh gan ở người bệnh, chẳng hạn như thói quen sinh hoạt, thuốc điều trị…
2. Ngứa, nổi mề đay, mụn nhọt
Những triệu chứng này thường hiếm gặp ở bệnh gan liên quan đến rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Ngược lại, xơ gan ứ mật nguyên phát (PBC), viêm đường mật xơ cứng nguyên phát (PSC)… lại có khả năng cao gây ra dấu hiệu ngứa, mụn nhọt hoặc nổi mề đay, tuy nhiên không phải ai bị ngứa cũng bị bệnh gan mà nhiều khi liên quan đến dị ứng. Theo nhiều nghiên cứu thử nghiệm và lâm sàng, những triệu chứng này có thể xuất phát từ các yếu tố sau:
- Axit mật.
- Một số chất tự nhiên trong cơ thể: Histamine, Serotonin…
- Tế bào da nhạy cảm.
- Lysophosphatidic acid (LPA) và autotaxin (một loại enzym hình thành LPA).(3)
3. Nước tiểu sẫm màu
Đây là triệu chứng cho thấy tế bào hồng cầu trong máu tích tụ quá nhiều bilirubin do gan không phân hủy bình thường. Lúc này, nước tiểu thường có màu như nước chè đặc.(4)
4. Hơi thở có mùi
Gan hoạt động như một bộ lọc, có nhiệm vụ tống khứ các chất thải ra khỏi máu và biến đổi một số chất trong máu thành mật để đi vào ruột, từ đó bài tiết ra theo phân. Khi cơ quan bị tổn thương, khả năng lọc những hợp chất chứa lưu huỳnh cũng bị hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc gan bị suy, dẫn đến việc xuất hiện mùi khó chịu trong hơi thở. Tuy nhiên, mùi bất thường này hoàn toàn không liên quan đến vấn đề vệ sinh hay sức khỏe răng miệng. Người bệnh không thể giải quyết bằng phương pháp súc miệng như thông thường.
Phần lớn các trường hợp đau hạ sườn phải đều mắc bệnh lý về gan, chẳng hạn như xơ gan, ung thư gan… Cơn đau có thể nhói nhưng thường là cảm giác tức nặng, xuất hiện rồi biến mất. Nếu triệu chứng này xảy ra thường xuyên và cường độ tăng dần khiến cơ thể mất khả năng hoạt động bình thường thì người bệnh cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, dấu hiệu đi kèm thường là mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, khó tiêu, sụt cân nhanh chóng… Khi tình trạng tiến triển nghiêm trọng hơn, người bệnh còn bị vàng da, vàng mắt và đổi màu nước tiểu.
6. Màu phân thay đổi
Đây là một trong những dấu hiệu bệnh gan thường gặp nhất, trong đó phổ biến là tắc mật. Đây là tình trạng đường mật trong cơ quan bị viêm hoặc kích thích, khiến dòng chảy của mật đến ruột bị cản trở.
Thông thường, muối mật được gan giải phóng ra sẽ làm cho phân có màu vàng. Trong trường hợp cơ quan không sản xuất đủ mật hoặc dòng chảy của mật bị chặn, phân sẽ bạc màu.
7. Nôn mửa dai dẳng
Khi gan bị tổn thương, khả năng lọc chất độc ra khỏi cơ thể bị giảm sút nghiêm trọng, từ đó gây ra các vấn đề tiêu hóa bất thường. Lúc này, triệu chứng buồn nôn hoặc buồn nôn và nôn khi ngửi thấy mùi thức ăn. Đây có thể là triệu chứng bệnh gan đã chuyển biến nghiêm trọng, cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
8. Vàng da, vàng mắt
Đây là triệu chứng cho thấy tế bào hồng cầu trong máu chứa quá nhiều bilirubin (một chất màu vàng cam). Khi những tế bào này chết đi, gan cũng bắt đầu lọc bulirubin ra khỏi máu. Tuy nhiên, nếu cơ quan bị tổn thương, không còn hoạt động bình thường, bilirubin sẽ dần tích tụ và gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt. Đây có thể là dấu hiệu điển hình cho một số bệnh lý sau:
- Viêm gan.
- Bệnh gan liên quan đến rượu.
- Tắc ống mật.
- Ung thư tuyến tụy.
Ngoài ra, một số loại thuốc như acetaminophen, penicillin, thuốc tránh thai và steroid cũng thường liên quan đến bệnh gan, có thể gây triệu chứng vàng da, vàng mắt ở người bệnh.
9. Dấu sao mạch trên da
Dấu sao mạch trên da là phần cuối của tiểu động mạch với các mao mạch tỏa ra bên ngoài giống như chân nhện màu đỏ, hay gặp ở vunguwcj nagy dưới cổ. Đây thường là dấu hiệu bệnh gan mạn tính, hay gặp do uống rượu. Ngoài ra, triệu chứng này cũng xuất hiện ở ⅓ tổng số trường hợp mắc xơ gan. Theo đó, số lượng tổn thương sẽ tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh lý cũng như sự xuất hiện của chứng giãn tĩnh mạch thực quản và dạ dày.(5)
10. Xuất hiện các vết bầm tím dưới da
Khi gan bị tổn thương, lượng protein tạo ra sẽ không đủ để tham gia vào quá trình đông máu, do đó da dễ bị bầm tím và chảy máu hơn bình thường. Hay gặp khi có xơ gan chức năng gan đã suy giảm. (6)
11. Trướng bụng
Trướng bụng là một trong những biểu hiện bệnh gan dễ nhận biết nhất, đặc biệt là xơ gan, xảy ra do sự mất cân bằng protein dẫn đến tích tụ dịch. Trong một số trường hợp, dịch còn có thể tích tụ vào các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như tay, chân.
12. Sưng phù chân
Dấu hiệu điển hình của bệnh gan nhiễm mỡ là tích tụ chất chất béo trong gan, gây hiện tượng sưng phù chân. Nguyên nhân phổ biến nhất là lạm dụng rượu bia và xuất phát từ thói quen sống thiếu lành mạnh.
13. Thay đổi tâm trạng và tính cách
Chức năng gan kém sẽ dẫn đến sự tích tụ chất độc trong cơ thể, lâu dần xâm nhập vào máu và lan đến não. Ban đầu, người bệnh sẽ gặp phải triệu chứng mất tập trung, hay nhầm lẫn, sau đó tác động nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ, đãng trí, thậm chí là mất phản ứng.
Các nguyên nhân gây ra bệnh gan
Một số nhóm nguyên nhân điển hình gây bệnh gan bao gồm:
-
- Nhiễm virus viêm gan B, C, D mạn tính hoặc viêm gan virus A, E cấp tính: virus có thể lây nhiễm vào gan dẫn đến suy giảm chức năng. Đường lây chủ yếu là thông qua máu, tinh dịch, thực phẩm, nước bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với người bị bệnh đối viêm gan virus B, C, D. Lây qua đường tiêu hóa qua thức ăn và nước uống với viêm gan virus A và E.
-
- Các vấn đề bất thường liên quan đến hệ thống miễn dịch: Hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào gan sẽ gây ra các bệnh về gan tự miễn, chẳng hạn như viêm đường mật nguyên phát, viêm gan tự miễn…
-
- Di truyền: Một số bệnh gan xuất hiện do di truyền chẳng hạn như Wilson, Hemochromatosis .
-
- Tích tụ quá nhiều chất độc: Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu là hậu quả của việc sử dụng quá nhiều rượu, gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu là do tiêu thụ quá nhiều chất béo.
Các yếu tố rủi ro:
- Lạm dụng rượu.
- Béo phì.
- Mắc bệnh tiểu đường típ 2.
- Xăm mình, xỏ khuyên trên cơ thể.
- Tiêm chích ma túy.
- Tiếp xúc với máu hoặc dịch từ cơ thể người khác.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh gan.
Cách điều trị bệnh gan
Tùy vào loại bệnh gan mắc phải và mức độ tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Một số lựa chọn điển hình bao gồm:
- Thuốc: Thuốc thường được chỉ định để điều trị các bệnh gan do nhiễm virus (viêm gan).
- Thay đổi lối sống: Người bệnh có thể cần thể thay đổi chế độ dinh dưỡng hàng ngày để kiểm soát một số loại bệnh gan, chẳng hạn như tránh uống rượu, hạn chế chất béo, calo, tăng cường chất xơ…
- Ghép gan: Khi bệnh gan tiến triển thành suy gan, ghép gan có thể sẽ là lựa chọn điều trị tốt nhất.
Biện pháp phòng ngừa bệnh gan
Bệnh gan có thể được chủ động phòng ngừa ngay từ sớm bằng một số biện pháp hữu ích sau đây:(7)
- Kiểm soát thói quen uống rượu: Tần suất hợp lý là tối đa 1 ly/ngày đối với phụ nữ và 2 ly/ngày đối với nam giới. Thói quen uống hơn 8 ly/tuần đối với phụ nữ và hơn 15 ly/tuần đối với nam giới sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Lựa chọn đơn vị xăm mình, xỏ khuyên uy tín để tránh nguy cơ mắc bệnh gan.
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch hợp pháp, tuyệt đối không dùng chung kim tiêm.
- Tiêm phòng viêm gan A, viêm gan B… để tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Chỉ dùng thuốc kê đơn và không kê đơn khi cần thiết, theo đúng liều lượng được khuyến cao.
- Không trộn lẫn rượu và thuốc.
- Tránh tiếp xúc với máu hoặc dịch từ cơ thể người khác, virus viêm gan có thể lây lan theo những con đường này.
- Rửa tay kỹ trước khi ăn và chuẩn bị thức ăn.
- Nếu đi du lịch, tốt nhất là nên sử dụng nước đóng chai để uống, rửa tay và đánh răng.
- Đeo khẩu trang, đội mũ, mang áo dài tay, găng tay… khi phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm, sơn hoặc các hóa chất độc hại khác và nên tuyệt đối thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Xây dựng chế độ ăn tốt cho gan đến từ các nguồn thực phẩm như: rau họ cải, quả mọng, các loại hạt, đậu, cá béo, trà…
Nguồn: tamanhhospital.vn