Kim Ngân Hoa

“Kim Ngân Hoa – Tiên dược cho sức khỏe và những bài thuốc hữu dụng”

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Kim ngân hay còn được gọi là Kim ngân hoa; nhẫn đông; song bào hoa; nhị hoa; kim đằng,...

Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb. Họ: Caprifoliaceae (Cơm cháy)

Đặc điểm tự nhiên

Kim ngân là cây leo bằng thân quấn, thân cây non có lớp lông bao phủ có màu nâu đỏ. Lá mọc đối, hơi dày, hình trứng, dài 4 - 7cm, rộng 2 - 4cm, xanh tốt quanh năm. Cụm hoa mọc ở kẽ các lá màu trắng, sau ngả sang màu vàng. Quả Kim ngân có hình cầu, màu đen. Mùa hoa Kim ngân vào tháng 3 - 5; mùa quả vào tháng 6 - 8.

Phân bố, thu hái, chế biến (Hình ảnh cây kim ngân hoa)

Phân bố: Kim ngân có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á, sau lan ra Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Chi Lonicera L. có khoảng 10 loài ở Việt Nam, tất cả đều được dùng làm thuốc.Ở Việt Nam, Kim ngân phân bố chủ yếu ở các vùng núi và trung du phía bắc, như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tây…
Thu hoạch: Thời điểm thu hoạch tốt nhất của cây Kim ngân là vào mùa xuân hoặc mùa thu. Kim ngân hoa nên hái vào thời điểm mới chớm nở, có màu trắng chưa chuyển sang vàng, nên hái lúc 9 – 10 giờ sáng. Nhặt vỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khô. Thân và cành cây Kim ngân được thu hái quanh năm, sau khi thu hái đem phơi và sấy khô.

Bộ phận sử dụng của Kim ngân (hình ảnh kim ngân đã được sấy khô)

Bộ phận sử dụng của cây Kim ngân: Hoa sắp nở thân và đã được phơi hay sấy khô.

Thành phần hóa học

Hoa kim ngân chứa flavonoid là luteolin, luteolin – 7 – glucosid, lonicerin và loniceraflavon.Ngoài ra, cây Kim ngân còn có các tinh dầu như α-pinen, hex-1-en, hex-3-en-1-ol, cis và trans-2-methyl-2-vinyl-5-(α-hydroxy isopropyl)-tetrahydrofuran,...
Hoa còn chứa acid clorogenic, chất này cũng có trong rễ, thân và lá với hàm lượng thấp hơn. Hoa, lá và thân cây Kim ngân có acid isoclorogenic.
Phần trên mặt đất chưa saponin, trong đó aglycon là acid oleanolic hoặc hederagenin.

Công dụng:

Tác dụng kháng khuẩn: Kim ngân hoa có tác dụng kháng khuẩn, một số nghiên cứu cho thấy nước sắc Kim ngân hoa có tác dụng ức chế rất mạnh đối với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn thương hàn, trùng lỵ Shiga. So với các dạng bào chế khác, nước sắc Kim ngân hoa cho tác dụng kháng khuẩn tốt hơn.
Tác dụng trên đường huyết: Một số nghiên cứu cho thấy, nước sắc hoa Kim ngân làm tăng lượng đường huyết, tác dụng kéo dài 5 – 6 giờ trên thỏ khi dùng đường uống.
Tác dụng ngăn chặn choáng phản vệ: Nước sắc Kim ngân có tác dụng ngăn chặn chóng phản vệ trên chuột lang.

Liều lượng và cách dùng Kim ngân

Liều dùng của Kim ngân hoa: 12 g đến 16 g/ngày. Dùng dưới dạng thuốc sắc, hãm, ngâm rượu hay làm hoàn tán.

Bài thuốc chữa bệnh từ Kim ngân

Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng:

Kim ngân 6g (hoa) hoặc 12g (cành và lá), nước 100 ml, sắc còn 10 ml, thêm đường vào cho đủ ngọt (chừng 4g). Đóng vào ống bịt kín, hấp tiệt trùng để bảo quản. Nếu dùng ngay thì không cần đóng ống và chỉ cần đun sôi rồi giữ sôi trong 15 phút đến nửa giờ là uống được. Người lớn: ngày uống 2 đến 4 liều trên 2-4 ống, trẻ em từ 1 đến 2 điều 1-2 ống.
Đơn thuốc trên thêm 3 g ké đầu ngựa cùng một công dụng và liều dùn

Chữa mụn nhọt mẩn ngứa:

Hoa kim ngân 6g, cam thảo 3g, nước 200ml. Sắc còn 100ml chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.

Ngân kiểu tán (bài thuốc kinh nghiệm từ cổ) chữa mụn nhọt, sốt, cảm:

Hoa kim ngân 40g, liên kiều 40g, tinh tới tuệ 16g, cát cánh 24g, dạm dậu sị 20g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, đạm trúc diệp 16g. Tất cả sấy khô tán bột. Có thể làm thành viên, ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 12g.

Chữa cảm cúm:

Kim ngân 4g, tía tô 3g, kinh giới 3g, cam thảo đất 3g, cúc tần hay sài hồ nam 3g, man kinh 2g, gừng 3 lát. Tất cả dùng lá phơi khô, sắc uống.

Chữa sởi:

Hoa kim ngân 30g, cỏ ban 30g. Dùng tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô, sắc uống.

Chữa viêm phổi:

Kim ngân hoa, sinh địa, huyền sâm, mỗi vị 20g; địa đất bì, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 16g; hoàng liên 12g, xương bồ 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Kim ngân, sinh địa, huyền sâm, mạch môn, mỗi vị 20g; liên kiều, uất kim, đan bì, mỗi vị 12g; hoàng liên, thạch xương bồ, mỗi vị 6g. sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa áp xe phổi giai đoạn viêm nhiễm, xung huyết, khởi phát:

Kim ngân, sài đất, bồ công anh, mỗi vị 20g; tang bạch bì, ý dĩ, mỗi vị 16g; kinh giới, hạnh nhân, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa áp xe phổi giai đoạn toàn phát:

Kim ngân 20g, hoàng đằng, ý dĩ, mỗi vị 16g; liên kiều, hoàng liên đào nhân, mỗi vị 12g; đình lịch tử 8g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm gan virus (ngũ linh thang gia giảm):

Kim ngân 16g, nhân trần 20g, xa tiền 16g, phục linh, ý dĩ mỗi vị 12g; trư linh, trạch tả, đai phúc bì, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm gan mãn tính (hoàng cầm hoạt thạch thang gia giảm):

Kim ngân 16g, nhân trần 20g, hoàng cầm, hoạt thạch, đai phúc bì, mộc thông, mỗi vị 12g, phục linh, trư linh, đậu khấu, mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa viêm cầu thận cấp tính:

Kim ngân, bồ công anh, mỗi vị 20g; mã đề 12g, vỏ quýt, vỏ rễ dâu, vỏ cau khô, ngũ gia bì, quế chi, mỗi vị 8g; vỏ gừng 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm khớp dạng thấp (Bạch hổ quế chi thang gia vị):

Kim ngân 20g, thạch cao 40g, tri mẫu, tang chi, ngạnh mễ, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g; thương truật 8g; quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa sốt xuất huyết:

Kim ngân hoa, rễ cỏ gianh, mỗi vị 20g; cỏ nhọ nồi, hoa hòe, mỗi vị 16g; liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 12g; chi tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu khát nước, thêm huyền sâm sinh địa, mỗi vị 12g; sốt cao thêm chi mẫu 8g.

Chữa mụn nhọt:

Kim ngân hoa 20g; bồ công anh 16g; liên kiều, hoàng cầm, gai bồ kết, mỗi vị 12g; hối mẫu 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa đinh râu (Ngũ vị tiêu độc ẩm gia giảm):

Kim ngân hoa, bồ công anh, tử hoa địa đinh, mỗi vị 40g, cúc hoa, liên kiều, mỗi vị 20g. Nếu sốt cao tại chỗ sưng đau nhiều thêm thạch cao 40g; hoàng cầm, chi tử sống, đan bì, mỗi vị 12g; hoàng liên 8g. Sắc uống ngày một thang.

Viêm bạch mạch cấp (giải độc đại thanh thang gia giảm):

Kim ngân, đại thanh diệp, sinh địa, mỗi vị 40 g; huyền sâm, chi tử sống, mỗi vị 12g; mộc thông 4g. Nếu sốt cao thêm thạch cao 40g, hoàng liên 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa nhiễm khuẩn huyết (Thanh doanh thang gia giảm):

Kim ngân hoa, sinh địa, mỗi vị 40g; huyền sâm, liên kiều, mỗi vị 20g; địa cốt bì, đan bì, tri mẫu, mạch môn, mỗi vị 12g; hoàng liên 6g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm phổi trẻ em:

Kim ngân hoa 16g; thạch cao 20g; tang bạch bì 8g; tri mẫu, hoàng liên, liên kiều, hoàng cầm, mỗi vị 6g; cam thảo 4g. Sắc uống.

Chữa co giật trẻ em (Hương nhu ẩm gia giảm):

Kim ngân hoa 16g; hương nhu, biển dậu, mỗi vị 12g; hậu phác, liên kiều, mỗi vị 8g. Sắc uống.

Chữa viêm phần phụ cấp tính:

Kim ngân, liên kiều, tỳ giải, ý dĩ, mỗi vị 16g; hoàng bá, hoàng liên, mã dề, nga truật, mỗi vị 12g; uất kim, tam lăng, mỗi vị 8g, đại hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm màng tiếp hợp cấp:

Kim ngân 16g; liên kiều, hoàng cầm, ngưu bàng tử, mỗi vị 12g;chi tử 8g; bạc hà, cát cánh, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

Lưu ý khi sử dụng Kim ngân

Kim ngân có bản chất lạnh và không thích hợp để uống lâu dài. Nó chỉ thích hợp để uống tạm thời trong mùa hè nóng. Đặc biệt, không nên uống trong lúc hành kinh. Uống quá nhiều sẽ gây phản tác dụng.
Trà kim ngân có tác dụng chống viêm và hạ sốt. Không nên uống thường xuyên. Điều này sẽ khiến cơ thể yếu đi và gây mất cân bằng giữa âm và dương.
Kim ngân có tính chất lạnh sẽ ngăn cản chức năng của đởm và dạ dày và không có lợi cho tiêu hóa.
Uống một lượng lớn trà kim ngân trong một thời gian dài sẽ gây ra những bất lợi nhất định cho cơ thể, đặc biệt là đởm và dạ dày. Vì vậy, cho dù sử dụng trà kim ngân như một thức uống thông thường hoặc sử dụng hoa kim ngân để chữa bệnh, không được uống lâu.

Nguồn tham khảo

https://tracuuduoclieu.vn/kim-ngan.html
Đỗ Huy Bích và cộng sự (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II, Trang 106- 110.
GS.TS. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, tr. 75-77